Người dân xã Phúc Sơn (Lâm Bình) làm bánh dày với nhiều màu sắc khác nhau.
Bánh dày được làm từ gạo nếp nương thơm dẻo. Cũng là nếp nương nhưng các dân tộc ở huyện Lâm Bình lại biến tấu bằng màu sắc từ những loại lá cây, củ, quả sẵn có để tạo ra những chiếc bánh dày đủ màu sắc. Màu đỏ lấy từ lá cây cẩm đỏ, màu tím từ cây cẩm tím, màu vàng từ củ nghệ, màu xanh từ lá nếp và màu đen từ tro rơm... Những màu sắc này được tạo ra từ việc đun lấy nước hoặc giã các loại lá cây hoặc củ khác nhau có sẵn trong tự nhiên, sau đó lấy nước đem đi ngâm gạo. Nước màu đem trộn với gạo nếp được ngâm qua đêm hoặc 8 tiếng, vớt ra để ráo nước rồi cho vào chõ để đồ xôi.
Chõ đồ xôi rất đặc biệt, không phải xoong, nồi mà là một thân cây khoét rỗng, cao thành hình ống, dưới đáy tiện tròn, đặt một chiếc vỉ bằng thanh tre đan dày. Chõ được đặt trong một chiếc nồi miệng loe, cổ thắt lại để đồ xôi. Bên trên chõ lót bằng vài lớp lá chuối, đậy kín chõ. Khi xôi chín, mở lớp lá chuối ra là hương nếp bốc lên thơm lừng, quyện trong mùi lá chuối, mùi nan tre tươi…
Phụ nữ xã Thượng Lâm (Lâm Bình) làm bánh dày.
Cối giã bánh dày cũng được làm bằng thân cây gỗ chắc thớ mịn và khoét rỗng ruột như chiếc thuyền độc mộc. Sau khi giã thật nhuyễn nặn thành từng hình tròn dẹt, khum khum và cho vào mẹt có quấn theo lá dong tươi hay lá chuối xanh để ngăn những chiếc bánh kết dính với nhau. Nhân dùng để làm bánh dày cũng có nhiều loại khác nhau, có thể là nhân lạc, nhân vừng, nhân đỗ hoặc nhân thịt, hay đơn giản hơn là bánh không nhân. Vị thì cũng tùy sở thích mà thêm đường hoặc muối.
Để làm ra được một chiếc bánh dày ưng ý là cả một quá trình bao gồm cả kinh nghiệm, sự khéo léo và sức lực. Nhâm nhi chiếc bánh dày chúng ta sẽ cảm nhận được cái dẻo của vỏ bánh, cái bùi mịn của nhân hòa cùng mùi thơm của từng loại lá khiến mỗi chiếc bánh dày mà cho ra hương vị rất riêng.
Gửi phản hồi
In bài viết